Câu hỏi 6: Uống rượu có ảnh hưởng đến tim mạch không ?
- Uống rượu bia vừa phải – một ly mỗi ngày đối với nữ và hai ly mỗi ngày đối với nam – giúp một số người phòng chống bệnh tim mạch. Đặc biệt ở những người có hoạt động thể chất đáng kể cần kiểm soát cân nặng và tuân theo chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả và ít chất béo bão hòa.
- Rượu bia có thể giúp tim:
Tăng HDL hoặc cholesterol “tốt”;
Ngăn ngừa tình trạng đông máu. Điều này có thể tốt hoặc xấu vì nó có thể phòng ngừa nhồi máu cơ tim, nhưng cũng có thể làm chảy máu dễ dàng hơn;
Giúp ngăn ngừa tác hại do tăng LDL, hay cholesterol “xấu”.
- Uống một ly rượu rất tốt cho tim mạch theo cơ chế chính là làm tăng cholesterol tốt để bảo vệ tim. Vỏ trái nho cung cấp flavonoid và các chất chống oxy hóa khác giúp bảo vệ tim mạch khỏi tác hại của các gốc oxy tự do tạo ra từ cơ thể.
- Uống rượu bia nhiều hoặc thường xuyên có thể gây tổn thương tim và dẫn đến các bệnh về cơ tim mạch, được gọi là bệnh cơ tim. Uống rượu bia thường xuyên cũng làm tăng huyết áp.
- Uống rượu bia quá mức trong thời gian dài làm tăng nguy cơ bị các vấn đề về tim mạch.
Tăng huyết áp. Uống rượu bia quá mức làm tăng huyết áp, đây là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Tăng huyết áp còn gây ra bởi tình trạng tăng cân do uống rượu bia quá nhiều.
Nghiện rượu bia làm suy cơ tim, khi đó tim không thể bơm máu một cách hiệu quả. Đây được gọi là bệnh cơ tim và có thể gây tử vong, thường là do suy tim.
Nghiện rượu bia có thể làm người nghiện dễ bị mắc phải các vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe như bệnh gan, ung thư, loét dạ dày, và các tình trạng khác.
Say xỉn – uống từ bốn ly trở lên đối với nữ và năm ly trở lên đối với nam trong vài giờ – có thể dẫn đến đột quỵ, có thể làm nhịp tim không đều gọi là loạn nhịp tim và có thể gây ra đột tử.
Câu hỏi 7: Uống café có ảnh hưởng đến tim mạch không?
Trả lời:
- Một vài thập kỷ gần đây, các nhà khoa học tiến hành nhiều nghiên cứu nhằm tìm hiểu việc uống café mang lại lợi ích hay mang đến nguy cơ cho sức khỏe trái tim. Các nhà khoa học chứng minh rằng uống café với một lượng vừa phải (một vài cốc mỗi ngày) là có lợi cho tim mạch do café có thể mang lại một số lợi ích sau:
+ Café có thể làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường typ 2
+ Café có thể làm giảm nguy cơ bị sỏi mật
+ Café có thể làm giảm khả năng mắc ung thư đại tràng
+ Café làm tăng khả năng nhận thức
+ Café làm giảm nguy cơ tổn thương gan ở những bệnh nhân bị bệnh gan
+ Café làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson
+ Café còn làm tăng khả năng dẻo dai của vận động viên
- Café có các lợi ích đó do hạt café chứa nhiều chất chống oxi hóa từ đó giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, ung thư, đái tháo đường, đột quỵ. Tuy nhiên, café cũng có một số nhược điểm sau:
+ Trong thành phần của café có cafein là một chất gây nghiện mức độ nhẹ. Sử dụng quá nhiều café có thể gây ra hồi hộp, bồn chồn, run tay chân cho một số người.
+ Mặt khác, cafein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim. Uống quá nhiều café có thể làm tăng cholesterol.
+ Hầu hết các nghiên cứu lớn chứng minh rằng rất ít người gặp phải các tác dụng khó chịu của café. Vì vậy, bạn có thể uống café với một lượng vừa phải mỗi ngày.
Câu 8: Căng thẳng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ứng phó thế nào?
Nguy cơ mắc các bệnh lý về tim tăng cao nếu bạn thường xuyên bị căng thẳng quá mức và không có cách quản lý tốt.
1. Căng thẳng ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?
- Khi bạn gặp phải một tác nhân gây căng thẳng, não sẽ tăng sản xuất cortisol, còn được gọi là "hormone căng thẳng". Một trong những chức năng chính của cortisol là tăng mức năng lượng để có thể đối phó với tình huống căng thẳng, bằng cách giúp chuyển đường dự trữ trong gan vào máu, nơi đường có thể được sử dụng làm năng lượng.
- Một phần khác của não báo hiệu cho sự gia tăng sản xuất các hormone epinephrine và norepinephrin. Phần này của phản ứng căng thẳng thường được gọi là phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy". Sự gia tăng các hormone này chuẩn bị cho cơ thể đối phó với tình huống căng thẳng bằng cách:
Tăng nhịp tim và huyết áp
Tăng nhịp thở
Tăng lưu lượng máu đến cơ
Giảm tiêu hóa
Tăng cường nguồn cung cấp năng lượng
3. Căng thẳng ảnh hưởng đến tim như thế nào?
- Khi căng thẳng trở thành mãn tính (kéo dài hoặc liên tục), nó có thể gây ra những tác động có hại cho cơ thể, trong đó có tim mạch.
- Mức độ căng thẳng cao cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường. Cả hai điều kiện này đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh mạch máu.
Khi căng thẳng, một số hành vi có hại sau sẽ làm làm gia tăng nguy cơ bệnh tim:
Giảm hoạt động thể chất.
Thay đổi thói quen ăn uống, chẳng hạn như ăn quá nhiều.
Tăng tiêu thụ rượu.
Hút thuốc lá.
Không dùng thuốc, bao gồm cả thuốc tim mạch theo quy định.
4. Cách quản lý căng thẳng và bảo vệ trái tim
Mặc dù bạn không thể tránh khỏi hoàn toàn căng thẳng, nhưng có những bước có thể làm để kiểm soát căng thẳng hiệu quả và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
- Tập thể dục thường xuyên: rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Nó cũng có thể làm giảm căng thẳng và nâng cao tâm trạng. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút hầu hết các ngày trong tuần.
- Thử các kỹ thuật thư giãn: Kỹ thuật thư giãn là một cách hiệu quả để giảm bớt căng thẳng. Chúng có thể giúp giảm huyết áp và nhịp tim, đồng thời khiến bạn cảm thấy bình tĩnh hơn.
Một số kỹ thuật thư giãn bao gồm:
Bài tập thở sâu
Bài tập giãn cơ
Thiền
Yoga
Mát-xa
Dùng tinh dầu
- Làm điều gì đó bạn thích: Khi bạn tập trung vào làm điều gì đó thú vị hoặc khiến bạn hứng thú, bạn sẽ ít có khả năng tập trung vào những điều khiến bạn cảm thấy căng thẳng.
- Ngủ đầy đủ giấc, ngủ sâu: rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. giúp cơ thể kiểm soát căng thẳng. Hãy cố gắng đạt được giấc ngủ có chất lượng từ 7-9 giờ mỗi đêm.
Tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết: Nếu bạn đang phải vật lộn để đối phó với một tình huống hoặc sự kiện căng thẳng, bạn nên trao đổi với chuyên gia sức khỏe tâm thần, hoặc kết nối với các nhóm hỗ trợ…
Câu hỏi 9: Tôi bị bệnh tim đang điều trị, có thể hoạt động tình dục được không?
Quan hệ tình dục có tác động nhất định đến nhịp tim và huyết áp. Vậy người có bệnh tim, hay bị những cơn đau thắt ngực hoặc đã trải qua phẫu thuật tim... nên quan hệ tình dục thế nào để không ảnh hưởng bệnh tim mạch và cần làm gì khi cơn đau thắt ngực xuất hiện lúc đang yêu?
- Trong quan hệ tình dục, khi bạn được kích thích, nhịp thở của bạn sẽ tăng dần, da sẽ đỏ lên, cả nhịp tim và huyết áp đều tăng nhẹ. Khi ở trạng thái hưng phấn, người bạn sẽ căng lên, cả nhịp tim và huyết áp đều tăng cao. Vào thời điểm cực khoái, bạn sẽ giải phóng những năng lượng bị dồn nén. Sau đó, nhịp tim, huyết áp và nhịp thở sẽ giảm dần về mức bình thường.
- Tuy nhiên, với những người bệnh tim mạch, sự thay đổi này đôi khi lại là gánh nặng cho quả tim. Điều quan trọng là người bệnh cần lượng sức mình, không nên làm quá đà hay quá sức khi quan hệ.
- Đối với bệnh nhân tăng huyết áp:
+ Vì việc quan hệ tình dục như một gắng sức nhỏ nên có thể coi như tập thể dục nhẹ. Do đó, bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 1 và 2 có thể sinh hoạt bình thường như khi huyết áp bình thường, không cần kiêng cữ.
+ Nếu xảy ra các biến chứng như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... thì đó là do trùng hợp chứ không phải do quan hệ tình dục.
- Đối với người suy tim:
+ Việc quan hệ tình dục có lợi nhiều hơn có hại. Bởi vì đó là vận động thể lực tương đối nhẹ, giúp hồi phục chức năng và tạo tâm lý tốt cho người bệnh.
+ Đối với người suy tim cấp độ II có thể thực hiện những hoạt động với nhu cầu tiêu thụ ôxy lên tới 5MET nhưng không gây khó thở. Còn khi lên đỉnh trong quan hệ tình dục thì nhu cầu ôxy tiêu thụ cao hơn 5-6 MET, nhưng điều này diễn ra rất nhanh chỉ khoảng 30 giây nên lượng ôxy tiêu thụ không thêm đáng kể, tần số tim chỉ khoảng 110-120. Nhưng nếu bị kích thích và xúc động mạnh thì nhịp tim có thể nhanh hơn nữa.
+ Đối với mức độ suy tim cấp độ III trở lên thì cần phải chú ý: sinh hoạt tình dục ở mức độ vừa phải, nếu thấy mệt, khó thở thì phải ngừng lại. Những người này chỉ cần giảm mức độ quan hệ chứ không cần phải bỏ hẳn.
+ Còn với mức độ suy tim IV hay nặng thì nên kiêng hẳn hoặc dừng lại ở ôm ấp hay vuốt ve bạn tình mà không nhằm mực đích đạt cực khoái.
- Đối với người có hẹp tắc động mạch vành hoặc đã có nhồi máu cơ tim.
+ Bác sĩ có thể yêu cầu bạn đợi đến khi sức khoẻ khá lên. Đa số bắt đầu lại chuyện giao hợp khoảng 4 đến 6 tuần sau cơn đau ngực. Những bệnh nhân không có biến chứng có thể sớm hơn, sau 7 đến 10 ngày.
+ Phải ngừng ngay tất cả các hoạt động khi có biểu hiện đau ngực, vì đau ngực là dấu hiệu cho thấy cơ tim đang bị thiếu oxy, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Đối với người có phẫu thuật tim mạch
+ Khoảng thời gian này thường là 2 đến 3 tuần.
+ Theo ước tính, nếu bạn có thể đi bộ lên 3 tầng thang gác một cách bình thường, bạn có thể trở lại hoạt động tình dục một cách từ từ và bình thường.
- Nếu bạn không chắc chắn về tình trạng sức khoẻ của mình, bác sĩ có thể cho bạn làm nghiệm pháp gắng sức để đánh giá khả năng gắng sức của bạn. Dựa trên nhịp tim và huyết áp, bác sĩ sẽ quyết định bạn đã có thể sinh hoạt tình dục hay chưa.
- Để đảm bảo an toàn, người bệnh tim mạch nên duy trì sức khỏe như: ăn uống đầy đủ, điều độ; vận động, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc; dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tập thể dục sẽ có lợi cho sức khỏe như đi bộ, đi xe đạp, bơi... giúp giảm nguy cơ tăng nhịp tim, khó thở, đau ngực... khi quan hệ tình dục. Không quan hệ ngay sau khi ăn. Cần hết sức lưu ý không nên sinh hoạt tình dục khi mệt, những ngày nóng quá hay lạnh quá, vừa làm việc căng thẳng.
- Vợ hoặc chồng cần quan tâm, tôn trọng và cố gắng thấu hiểu và chia sẻ những tâm tư của người kia. Sự gần gũi và thẳng thắn sẽ giúp cả hai có đời sống tình dục tốt hơn và có cảm giác dễ chịu hơn để đối phó với bệnh tim mạch.