Khoảng 50% phụ nữ mang thai bị sưng phù vùng cổ chân và 20-30% nổi gân xanh, đây có thể là dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch trong thai kỳ.

1. Vì sao mang thai lại gây suy giãn tĩnh mạch?

Sự thay đổi nội tiết, thai lớn chèn ép vào các tĩnh mạch ổ bụng, cản trở tĩnh mạch trở về tim là nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch khi mang thai. Tuy nhiên, điều may mắn là phần lớn các tĩnh mạch giãn sẽ trở về kích thước ban đầu trong vòng một năm sau sinh.

Những phụ nữ mang thai nhiều lần có nguy cơ bị bệnh tĩnh mạch chi dưới cao hơn so với người mang thai lần đầu.

Biểu hiện thường gặp ở thai phụ bị giãn tĩnh mạch là:

  • Phù chân: Nhiều thai phụ bị sưng phù vùng cổ chân, thậm chí cả chân ở những tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, triệu chứng này cũng có thể xuất hiện do tăng huyết áp thai kỳ, tiểu đạm…
  • Giãn tĩnh mạch chân: Tĩnh mạch giãn mạng lưới thường xảy ra ở tháng thứ nhất hoặc tháng thứ hai của thai kỳ. Thống kê cho thấy khoảng 70% thai phụ bị giãn tĩnh mạch ở tam cá nguyệt thứ nhất và tỷ lệ này tăng lên ở thời điểm gần sinh. Nguyên nhân là do cơ chế giảm hồi lưu tĩnh mạch. Tĩnh mạch giãn mạng nhện có thể xảy ra trong suốt thai kỳ, cũng có thể tự phát. Tĩnh mạch nông giãn tồn tại trong suốt thai kỳ và biến mất sau sinh.

Ngoài ra, thai phụ còn gặp các triệu chứng khó chịu ở chân như đau nhức, tê mỏi, chuột rút, nặng chân, châm chích khi đứng lâu, ngồi nhiều. Một số người còn bị ngứa chân. Những triệu chứng này sẽ giảm khi thai phụ đi lại, mang vớ áp lực hoặc nghỉ ngơi kê chân cao.

2. Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai có nguy hiểm không?

Suy tĩnh mạch đa phần chỉ gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của thai phụ. Không có bằng chứng nào cho thấy bệnh có ảnh hưởng đến thai nhi. Một số trường hợp gặp phải biến chứng vỡ tĩnh mạch giãn gây chảy máu hoặc huyết khối tĩnh mạch, hội chứng hậu huyết khối. Tuy nhiên, các biến chứng này rất hiếm khi xảy ra.

Huyết khối tĩnh mạch sâu xuất hiện ở khoảng 0,14 – 1% các trường hợp, có thể xảy ra ở gần cuối thai kỳ hay sau khi sinh. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn vì các thuốc kháng đông được dùng để trị huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây biến chứng sinh non, thai chết lưu, dị dạng thai…

Hội chứng hậu huyết khối thường phát triển ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, xảy ra ở một vài trường hợp thai phụ có huyết khối tĩnh mạch sâu trong suốt thai kỳ.

Thuyên tắc phổi là nguyên nhân gây đột tử ở phụ nữ mang thai do việc di chuyển của cục máu đông từ chân lên phổi gây tắc động mạch phổi.

3. Điều trị giãn tĩnh mạch thai kỳ

Việc điều trị giãn tĩnh mạch thai kỳ chủ yếu hướng đến cải thiện chất lượng sống cho thai phụ, giảm đau nhức, khó chịu và cảm giác lo lắng do tình trạng giãn tĩnh mạch gây ra. Phương pháp chủ yếu là điều trị bảo tồn bao gồm mang vớ y khoa, thay đổi lối sống và tập luyện thể thao, vật lý trị liệu phù hợp. Một số loại thuốc có thể sử dụng cho phụ nữ mang thai nhưng phải được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Chỉ định phẫu thuật hoặc chích xơ tĩnh mạch hiếm khi được thực hiện. Trong trường hợp có huyết khối tĩnh mạch nông gây viêm đau, có thể tiến hành lấy tĩnh mạch tại chỗ qua gây tê.

Điều may mắn là đa số các tĩnh mạch giãn trong thai kỳ sẽ nhỏ lại hoặc biến mất sau sinh, triệu chứng suy tĩnh mạch cũng được cải thiện. Một số trường hợp suy tĩnh mạch chân khi mang thai chuyển nặng hơn sau sinh. Khi đó, tùy theo mức độ, bác sĩ sẽ áp dụng một số phương pháp điều trị xâm lấn như chích xơ, phẫu thuật, loại bỏ tĩnh mạch bằng sóng cao tần…

Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thai phụ cần hạn chế ngồi hay đứng lâu, kê chân cao (15-20cm cao hơn mức tim) khi nằm nghỉ, mang vớ áp lực khi bắt đầu có triệu chứng đến ít nhất 4 tuần sau sinh, tập luyện các bài tập chân… giúp giảm sự ứ trệ tĩnh mạch gây ra các triệu chứng khó chịu khi mang thai.

 

Viết bình luận