Thông liên thất (VSD) là bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp nhất, chiếm hơn 30% các trường hợp trẻ bị tim bẩm sinh. Thống kê cho thấy cứ 500 trẻ sơ sinh thì có 1 trẻ bị thông liên thất. Đa số trường hợp bệnh có thể tự bít kín, trong khi một số ca mức độ trung bình và nặng có nguy cơ dẫn tới biến chứng nguy hiểm và cần phải can thiệp hoặc phẫu thuật.

1. Thông liên thất là gì ?

Trái tim bình thường có 4 buồng: hai tâm nhĩ ngăn cách nhau bởi vách liên nhĩ, hai tâm thất ngăn cách nhau bởi vách liên thất. Trẻ em sinh ra bị thông liên thất sẽ xuất hiện một lỗ trên vách liên thất. Khi đó, máu giàu oxy (đỏ) đi từ tâm thất trái qua lỗ thông ở vách ngăn và trộn lẫn với máu ít oxy (xanh) trong tâm thất phải. Điều này làm tăng lưu lượng máu bên tim phải, tăng dòng máu lên phổi gây tăng áp lực động mạch phổi.

Dựa trên vị trí và cấu trúc của lỗ thông, thông liên thất được chia ra thành 4 loại chính

+ Thông liên thất phần màng: Đây là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 80%, cũng là loại có khả năng tự bịt kín

+ Thông liên thất phần cơ: Lỗ thông được bao quanh bởi các mô cơ và có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trong vách liên thất. Loại này có khả năng tự bít cao nhất, tuy nhiên nếu không tự bịt được cũng là loại khó can thiệp hoặc phẫu thuật nhất.

+ Thông liên thất phần buồng nhận: Lỗ thông nằm ngay dưới van 3 lá trong tâm thất phải và van 2 lá trong tâm thất trái. 

+ Thông liên thất phần phễu: Loại thông liên thất này tạo ra một lỗ ngay trước van động mạch phổi ở tâm thất phải và trước van động mạch chủ trong tâm thất trái, nối hai buồng với nhau.

2. Dấu hiệu cho thấy trẻ bị thông liên thất

Với lỗ thông liên thất lớn, triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau sinh hoặc sau vài năm đầu:

  • Ăn uống kém, không tăng cân
  • Thở nhanh, hụt hơi hoặc khó thở
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Da, môi và móng tay xanh tím

Nếu lỗ thông liên thất nhỏ, những triệu chứng trên có thể không xuất hiện cho đến khi trẻ trưởng thành và thường được phát hiện khi nghe tim hoặc làm siêu âm tim.

Nhờ tiến bộ của chẩn đoán trước sinh, nhiều trẻ bị tim bẩm sinh được phát hiện ngay từ tuần thứ 22 của thai kì.

3. Thông liên thất có nguy hiểm không?

Một lỗ thông liên thất nhỏ có khả năng tự đóng lại khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, lỗ thông trung bình hoặc lớn sẽ gây ra nhiều biến chứng cho trẻ – từ nhẹ đến nguy hiểm tính mạng. Những biến chứng này thường là:

Suy tim: Nếu lỗ thông liên thất có kích cỡ trung bình hoặc lớn, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ máu cho cơ thể. Do đó, suy tim có thể phát triển nếu trẻ bị thông liên thất không được điều trị đúng cách.

Tăng áp động mạch phổi: Tăng lưu lượng máu đến phổi do thông liên thất gây ra tăng áp động mạch phổi. Nguy hiểm hơn, biến chứng này còn có nguy cơ gây ra sự đảo ngược dòng máu qua lỗ thông (hội chứng Eisenmenger).

Viêm nội tâm mạc: Biến chứng này ít phổ biến nhưng vẫn có khả năng xảy ra.

4. Phương pháp điều trị thông liên thất

Thông liên thất (VSD) nhỏ thường không cần điều trị vì lỗ thông sẽ tự đóng khi trẻ lớn lên. Khoảng 75% trẻ bị VSD sẽ tự đóng trong năm đầu tiên của cuộc đời hoặc trước 10 tuổi mà không cần can thiệp điều trị y tế.

Nếu một thông liên thất chưa đóng trước 10 tuổi thì cần phải:

-  Thông tim đóng lỗ thông: Dụng cụ được đưa vào vị trí lỗ thông qua một ống nhỏ, gọi là ống thông. Dụng cụ sau đó được mở ra để che phủ lỗ thông. Thủ thuật này chỉ cần 1 vết chích nhỏ (2 – 3mm) và không cần phẫu thuật tim hở.

- Phẫu thuật tim hở đóng lỗ thông: Bác sĩ phẫu thuật khâu hoặc vá các lỗ thông trên vách ngăn. Đây là lựa chọn khi trẻ không thể đóng lỗ thông bằng thông tim.

- Theo dõi tiếp do lỗ  thông nhỏ, chưa ảnh hưởng nhiều đến huyết động. Tuy nhiên, có nguy cơ gây viêm nội tâm mạc và gây nên hở van động mạch chủ hoặc hở van ba lá.

 

Viết bình luận